Miêu tả bức tranh Dọc_mùng_(tranh)

Bức tranh là một bộ bình phong gồm 8 tấm gỗ ghép lại. Với sơn đỏ son, sơn then, vàng, bạc, vỏ trứng và sơn cánh gián họa sĩ đã tạo cho Dọc mùng một vẻ đẹp lộng lẫy, có chiều sâu bí ẩn, đưa kĩ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu hội họa này trong nền mỹ thuật Việt Nam, đồng thời, đánh dấu sự khởi đầu cho khuynh hướng sáng tác đưa sơn mài vào nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí những năm sau này.

Mặt trước là hình ảnh cây dọc mùng với nét vẽ khoẻ khoắn, những mảng vỏ trứng, hình cây điển hình được viền bằng những mảng màu to rộng, nét cứng cáp gợi về sự gần gũi chân quê của vùng nông thôn Bắc Bộ Việt Nam.

Dọc mùng hay Phong cảnh (mặt trước)

Mặt sau, bức tranh Thiếu nữ trong vườn là vườn hoa muôn sắc màu, trong đó các cô gái đang vui đùa, chạy nhảy, giá trị hiện thực toát lên từ hình khối, động tác. Sắc vàng kim được dát trên nền trời, trên những tấm áo điểm xuyết vỏ trứng, những vệt vàng lộng lẫy trên từng đường lượn như tôn vẻ đẹp thanh tân thiếu nữ.

Thiếu nữ trong vườn (mặt sau)

Mọi thành tựu kỹ thuật đều được phát huy hết mức, đặc biệt là thủ pháp để lộ nền son trong những hình người khiến các nhân vật nhẹ lâng lâng như tan được. Việc xử lý vỏ trứng ở đây có những sáng tạo mới: vỏ trứng nhoè mờ, ẩn hiện như thủy mặc, mềm như lụa, ánh vàng kim chiếu ra từ bên trong, từ những kẽ vỏ trứng như một ánh sáng nội tại huy hoàng, và các nét tinh tế màu đen chạy trên mặt vỏ trứng khiến ta nhìn thấy được những đường gió cuốn tà áo dài thiếu nữ.

Ở đây sử dụng mô-típ ba cô (Ba cô gái đứng cạnh nhau) của Botticelli nhưng có thể thấy sự khác biệt ở vẻ mông lung hư ảo nhiều hơn, phần hồn át hẳn phần xác, nhịp chân tíu tít, bước chân tung tẩy như không chạm đất, sự trong trắng phát sáng từ bên trong. Các cô đã rời cõi thế lên tiên giới.[1]